Giải pháp cho người bị sỏi mật

Lượt xem: 127

Sỏi mật thường xảy ra trong túi mật và ống mật thông thường, bệnh thường không có triệu chứng cho đến khi chúng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

Nguyên nhân hình thành sỏi mật

Sỏi mật là các viên sỏi nhỏ, trong suốt, hình thành bên trong túi mật. Sỏi mật thường được hình thành do sự lắng đọng cholesterol và canxi. Sỏi mật có thể gây tắc ống mật, gây đau, viêm và thậm chí có thể bị nhiễm trùng nặng. Nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể do:

  • Chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol
  • Giảm vận động của túi mật: Lười vận động, ngồi nhiều, chế độ ăn uống quá kiêng khem hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch cũng rất dễ bị sỏi mật.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình từng có người bị sỏi mật thì khả năng bạn bị sỏi mật sẽ cao hơn những người khác.
  • Tăng cân đột ngột, thừa cân béo phì.
  • Giới tính: Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ bị sỏi túi mật cao hơn nam giới.

Sỏi túi mật thường có 3 loại lớn là sỏi cholesterol, sỏi sắc tố và sỏi hỗn hợp. Trong đó, sỏi sắc tố lại gồm có 2 loại là sỏi đen và sỏi nâu với thành phần, cơ chế hình thành khác nhau.

Triệu chứng nhận biết sỏi mật

Sỏi mật vẫn có thể hình thành ngay cả khi bạn đã có chế độ ăn và lối sống tốt. Và khi điều này xảy ra, bạn cần chú ý đến các triệu chứng nhận biết bệnh. Các triệu chứng của sỏi mật thường rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Tuy nhiên bạn có thể nhận biết bệnh qua các triệu chứng như:

  • Đau bụng, đau mạn sườn

Các cơn đau đột ngột và dữ dội ở phần phía bên phải vùng bụng. Thông thường đau ngay dưới hạ sườn, ở vị trí túi mật. Những người bị sỏi mật có thể bị đau ở vùng trên bên phải của bụng (đau góc phần tư phía bên phải ) hoặc ở phía trước phần dưới xương ức (đau vùng thượng vị).

Các cơn đau do sỏi mật gây ra còn gọi là đau bụng đường mật và thường kéo dài khoảng 15 phút, thỉnh thoảng có thể lan ra phía sau lưng.

  • Rối loạn tiêu hóa

Các cơn đau cấp tính của sỏi ở túi mật có thể gây buồn nôn và nôn. Một số trường hợp khác người bệnh có thể cảm giác đầy bụng, chậm tiêu, chán ăn, sợ mỡ và thường những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với bệnh dạ dày – tá tràng hay do đường tiêu hóa.

  • Vàng da

Không phải không có nhưng khả năng gây vàng da do sỏi mật khá thấp vì túi mật chỉ là bộ phận phụ bên cạnh đường mật chính. Trước khi bị vàng da người bệnh có thể gặp các biểu hiện như: nước tiểu vàng sậm, sau đó đến mắt vàng và da vàng. Trường hợp nếu chỉ thấy da vàng mà nước tiểu không vàng thì không phải là chứng vàng da.

  • Sốt

Sốt chính là biểu hiện khi người bệnh đã bị nhiễm trùng ở túi mật và đây là một biến chứng thường gặp của bệnh túi mật nhất là sỏi hoặc bùn mật.