Khi bị sỏi mật cần phải làm gì?
Sỏi mật là gì? Bị sỏi mật có nguy hiểm không? Nguyên nhân nào gây nên bệnh sỏi mật? Triệu chứng nhận biết bệnh sỏi mật là gì? Khi bị sỏi mật cần phải làm gì? Cùng Sỏi Mật Trái Sung tìm hiểu về bệnh sỏi mật qua bài viết sau.
Bệnh sỏi mật là gì?
Sỏi mật là do sự kết thành khối rắn chắc của các thành phần có trong dịch mật, sỏi có thể hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật như: Sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi gan (đường dẫn mật trong gan)… Sỏi mật có 2 loại chính là: Sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.
- Sỏi cholesterol là do cholesterol kết tinh trong dịch mật, khi nồng độ cholesterol trong mật cao, nồng độ muối mật thấp kèm theo sự ứ đọng dịch mật và một số nguyên nhân khác. Nguyên nhân có thể do: Tuổi tác, ăn nhiều thực phẩm giàu hàm lượng cholesterol, nhiều chất béo động vật, do sinh để nhiều (ở phụ nữ). Đôi khi cũng có thể là do biến chứng từ một số bệnh tiêu hoá như: Bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng, do dùng nhiều một số dược phẩm clofibrate, estrogen…. Sỏi cholesterol thường đơn độc và không cản tia X, thường có màu nhạt.
- Sỏi sắc tố mật chủ yếu là canxi bilirubinate, có màu sậm, thường hình thành từng đám sỏi, cản tia X nhiều. Sỏi sắc tố mật hình thành khi bilirubine tăng, không liên hợp hoặc nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng đường mật. Nguyên nhân: Có thể do tuổi tác, ăn thiếu béo và protein, ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết, thiếu máu Địa Trung Hải, thiếu máu hồng cầu liềm.
Bệnh sỏi mật khá thường gặp. Bệnh thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới và tăng dần theo tuổi tác.
Nguyên nhân hình thành sỏi mật
Sỏi mật hình thành là do sự mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật, cùng nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là sự mất cân bằng do sản xuất, vận chuyển dịch mật trong gan – đây là nơi tiết ra dịch mật, ứ trệ dịch mật kéo dài, viêm đường mật và nhiễm khuẩn dịch mật. Ngoài ra, yếu tố cơ địa cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sỏi.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi gồm:
- Sự suy giảm của chức năng gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, tăng men ga…) khiến chất lượng dịch mật bị giảm.
- Thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu.
- Chế độ ăn uống ít calo, nhiều chất béo bão hoà, ít chất xơ và rau xanh.
- Lười vận động khiến dịch mật bị ứ trệ, điều này tạo điều kiện cho cholesterol kết tủa hình thành nên sỏi.
- Sử dụng thuốc tránh thai dài ngày khiến estrogen làm tăng nồng độ cholesterol trong mật.
- Dùng thuốc hạ cholesterol (hạ mỡ máu) dẫn đến cholesterol trong dịch mật tăng.
Triệu chứng bệnh sỏi mật
Sỏi mật thường diễn ra một cách âm thầm đến khi xuất hiện các biến chứng mới nhận thấy rõ ràng. Tuy nhiên, một vài triệu chứng sau giúp bạn nhận biết sớm bệnh sỏi mật để có lựa chọn phương pháp trị sỏi thích hợp và kịp thời.
- Đau: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình giúp nhận biết bệnh sỏi mật. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột. Đôi lúc là những cơn đau nhẹ sau đó thành cơn dữ dội, thường thì đau vùng hạ sườn phải lan lên vai phải hoặc sau lưng, cơn đau khiến người bệnh vật vã, lăn lộn trên giường. Cũng có thể đau làm người bệnh không dám thở mạnh. Các cơn đau âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, đau đôi khi ở vùng thượng vị và lan lên ngực.
- Vàng da: Da và củng mạc mắt vàng là do tắc mật, tình trạng này xuất hiện khi sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan tuỳ theo mức độ sỏi làm tắc mật như thế nào mà da có màu vàng nhẹ hay vàng đậm. Trong trường hợp chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.
- Sốt: Xảy ra là do nhiễm khuẩn đường mật, nếu không có nhiễm khuẩn thì sẽ không có sốt. Cơn sốt có thể sốt cao, rét run nhưng cũng có khi sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau và có khi sốt kéo dài.
- Gan to thất thường: Gan to là triệu chứng thường gặp khi bị sỏi mật, mức độ gan to còn phụ thuộc vào mức độ tắc mật, sỏi túi mật không gây gan to. Tắc mật do sỏi trong ống mật chủ có thể xuất hiện túi mật to.
Triệu chứng đau, sốt, vàng da và hiện tượng ga to thất thường cũng cho biết tình trạng sỏi mật của bạn như thế nào. Một số người bị sỏi mật còn kèm theo dấu hiệu không thích ăn mỡ, hay ợ chua, ợ hơi hoặc đầy bụng. Tuy những triệu chứng này không rõ ràng nhưng tất cả đều liên quan đến sỏi. Khi gặp phải trường hợp này, tốt nhất bạn cần nên tìm đi khám để có tìm cách trị thích hợp.
Biến chứng do sỏi mật gây nên
Nếu không tìm cách trị sỏi mật kịp thời chúng sẽ gây nên nhiều biến chứng khó lường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Các biến chứng do sỏi mật gây nên như:
- Viêm nhiễm đường dẫn mật và túi mật do một số vi sinh vật, nhất là vi khuẩn đường ruột như E.coli, Proteus. Nhiễm khuẩn huyết do sỏi làm thủng các đường dẫn mật, gây rò mật, mật chảy vào bên trong ổ bụng như tá tràng, dạ dày đại tràng… dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, gây viêm tuỵ cấp hoặc viêm tụỵ mãn tính kéo dài.
- Sỏi mật cũng có thể gây nên viêm túi mật cấp tính làm rò rỉ dịch mật gây nên viêm màng bụng cấp tính (viêm phúc mạc- mật). Đây là một biến chứng sỏi mật rất nguy hiểm, phải can thiệp bằng ngoại khoa và nếu không xử trí kịp thời sẽ để lại hậu quả rất nặng nề cho người bệnh, gây sốc nhiễm khuẩn, có thể tử vong.
- Sỏi mật cũng có thể gây nên ứ nước túi mật gây hiện tượng tắc túi mật mãn tính, kéo dài. Khi sỏi mật làm viêm nhiễm nặng đường dẫn mật, gây ách tắc, ứ mật lâu ngày, dần dần làm ảnh hưởng rất lớn đến nhu mô gan, nhiễm độc gan, tác động xấu đến chức năng của gan và nguy hiểm nhất là làm xơ gan.
- Viêm đường mật do sỏi cũng rất có nguy cơ gây nhiễm khuẩn huyết – một bệnh nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm dẫn đến áp xe gan đường mật.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bị sỏi mật nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định, tư vấn, tìm cách trị trị sỏi mật hiệu quả nhất tránh để xảy ra biến chứng. Mặt khác bệnh sỏi mật hay bị tái phát, vì vậy, nên khám bệnh theo định kỳ và đặc biệt là một thời gian sau khi trị sỏi (theo Tây Y hay Đông Y) cảm thấy có dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt, vàng da xuất hiện lại là phải đi khám bệnh ngay.
Dùng thảo dược cho người bị sỏi mật
Sỏi mật là bệnh mãn tính nên nguy cơ sỏi tái phát trở lại rất cao chính vì thế việc lựa chọn phương pháp nhằm ngăn ngừa sỏi tái phát sau khi tán sỏi là điều quan trọng.
Một số phương pháp dùng cho người bị sỏi phổ biến hiện nay:
Đối với sỏi túi mật
- Dùng sản phẩm giúp tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm, thời gian dùng kéo dài 6 – 24 tháng, ursodeoxycholic acid 8 – 10mg/kg trọng lượng.
- Tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất.
- Cắt túi mật qua nội soi: Dùng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật, đây là phương pháp hiện nay thường dùng phổ biến, rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe nhanh.
- Cắt túi mật bằng mổ phanh: Áp dụng trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật.
Đối với sỏi mật trong gan và sỏi ống mật chủ
- Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi, áp dụng với sỏi ở ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng, áp dụng với sỏi to.
- Phẫu thuật để lấy sỏi.